Siêu âm thai và 7 điều nên biết trước khi thực hiện

08/11/2019

Siêu âm thai là phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh giúp theo dõi thai nhi. Mẹ bầu có thể thấy được hình ảnh của thiên thần nhỏ ngay từ khi bé còn ở trong bụng cũng, như quan sát quá trình con phát triển từng giai đoạn. Vậy siêu âm thai là gì? Những điều nên biết trước khi thực hiện?

Cùng đọc bài viết dưới đây để biết thêm kiến thức mẹ bầu nhé.

  1. Siêu âm thai là gì?

Siêu âm thai là quá trình sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của bé cũng như tử cung của mẹ, cùng các cơ quan khác nằm trong khung xương chậu. Phương pháp này cung cấp các thông tin có giá trị về sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé.

Trong quá trình kiểm tra, máy siêu âm truyền các sóng âm qua tử cung và cơ thể của bé. Sau đó, máy tính sẽ dịch sóng âm thanh, tái tạo âm thanh thành hình ảnh video, cho ra hình dạng, vị trí và các cử động của em bé.

Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để nghe nhịp tim của thai nhi. Mẹ sẽ phải siêu âm thường xuyên hơn nếu bị tiểu đường, cao huyết áp, hay gặp các biến chứng khác về sức khỏe.

Mẹ bầu có thể lựa chọn thực hiện siêu âm thai 2D, 3D, 4D hay siêu âm Doppler màu.

  1. Quy trình siêu âm thai

Thời gian: Từ  15 – 20 phút đối với siêu âm cơ bản. Đối với những lần kiểm tra chi tiết để tầm soát dị tật…, bác sĩ sẽ mất khoảng 30 phút hoặc hơn để hoàn thành việc siêu âm.

Quy trình siêu âm thai bao gồm các bước sau:

Đầu tiên, mẹ bầu sẽ nằm trên giường bệnh và kéo áo lên để lộ bụng.

Sau đó Bác sĩ sẽ thoa lên vùng bụng một loại gel mỏng làm chất dẫn truyền sóng siêu âm giúp loại bỏ các bọt khí giữa đầu dò của máy siêu âm và cơ thể, giúp sóng siêu âm được truyền tốt hơn, đưa ra kết quả chính xác nhất.

Máy tính sẽ dịch kết quả âm thanh thành hình ảnh hiển thị trên màn hình. Mô hoặc xương sẽ xuất hiện dưới dạng các vùng sáng hoặc màu xám và dịch màng ối sẽ xuất hiện ở những vùng tối.

  1. Khi nào mẹ bầu nên siêu âm thai?

Theo các chuyên gia, số lần thực hiện siêu âm thai của từng mẹ bầu sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe thai kỳ và chỉ định của bác sĩ.

Thông thường, bạn có thể thực hiện siêu âm thai vào những tuần thai sau:

Thai kỳ tuần thứ 4 – 8: siêu âm lần đầu tiên này để kiểm tra chắc chắn xem phôi thai đã vào tử cung an toàn, và có tim thai hay không.

Thai kỳ tuần thứ 12 – 14: Vào giai đoạn này, bác sĩ có thể tính được tuổi thai của thai nhi cũng như đo độ mờ da gáy. Từ đó dự đoán một số bất thường về nhiễm sắc thể. Ngoài ra, bạn sẽ biết được mình mang thai đơn hay đa thai.

Thai kỳ tuần thứ 21 – 24: Thông thường, bạn sẽ được hẹn siêu âm vào tuần 22 của thai kỳ. Đây là lúc tốt nhất để bác sĩ siêu âm kiểm tra để xem bé có phát triển bình thường hay không khi các cơ quan nội tạng của bé đã dần hình thành. Đợt khám này có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình dạng bên ngoài như hở hàm ếch hoặc dị dạng bẩm sinh nếu có. Việc chẩn đoán các di tật nghiêm trọng trong thời gian này đặc biệt quan trọng vì việc đình chỉ thai kỳ chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.

Thai kỳ tuần thứ 30 – 32: Vào khoảng thời gian này, siêu âm sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những bất thường xuất hiện muộn ở động mạch, tim… Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra dây rốn giúp bạn, xem còn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng đến bao thai, xác định vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối.

  1. Những lợi ích của siêu âm thai

Siêu âm thai mang đến cho mẹ bầu nhiều lợi ích, như:

  • Xác nhận bạn đã có thai
  • Kiểm tra nhịp tim của thai nhi
  • Biết được ngày dự sinh
  • Kiểm tra nhau thai, buồng trứng, tử cung và cổ tử cung.
  • Chuẩn đoán thai ngoài tử cung
  • Xác định những dị tật bất thường ở thai nhi.
  • Biết giới tính của thai nhi
  • Theo dõi quá trình phát triển thể chất và vị trí của thai nhi từng giai đoạn.
  • Xác định đa thai
  • Kiểm tra những bất thường ở nhau thai.
  • Phát hiện khả năng thai nhi gặp phải hội chứng Down
  • Kiểm tra tình trạng nước ối
  • Đo chiều dài cổ tử cung
  1. Siêu âm thai có hại cho thai nhi không?

Siêu âm thai sẽ không gây hại đến thai nhi. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trong 35 năm qua cũng đưa ra kết luận tương tự khi không tìm ra bằng chứng phản bác.

Tuy nhiên, điều này không khuyến khích mẹ bầu đi siêu âm tùy hứng. Chỉ nên siêu âm khi thật sự cần thiết hoặc theo lịch trình mà bác sĩ chỉ định bạn nhé.

  1. Các loại siêu âm thai

Tùy vào mong muốn của bản thân hoặc chỉ định của bác sĩ, bạn có thể chọn loại siêu âm thai mà mình muốn thực hiện:

Siêu âm 2D, 3D và 4D

Về nguyên lý hoạt động, các loại siêu âm này đều sử dụng sóng âm thanh tái tạo hình ảnh nên đều rất an toàn cho thai. Điểm khác biệt là siêu âm thai 3D và siêu âm thai 4D tổng hợp các tín hiệu lại để dựng lên hình ảnh 3 chiều, 4 chiều, cho hình ảnh chân thực hơn hình ảnh 2 chiều như 2D.

Siêu âm qua ngả âm đạo

Đây là kỹ thuật siêu âm đưa trực tiếp đầu dò vào âm đạo để lấy hình ảnh của thai nhi trong tử cung. Ở giai đoạn đầu tiên của thai kỳ, thai nhi còn rất nhỏ nên các bác sĩ thường tiến hành siêu âm trực tiếp qua ngả âm đạo để lấy được hình ảnh rõ hơn qua thành bụng, nhất là với những thai phụ thừa cân.

Siêu âm qua ngả âm đạo không gây hại cho mẹ và thai nhi nhưng có thể khiến bạn mắc cỡ đôi chút.

Siêu âm Doppler màu

Siêu âm Doppler màu dựa trên hiệu ứng Doppler để xác định hướng chuyển động của vật thể so với đầu dò siêu âm và thường được sử dụng để khảo sát mạch máu. Vì thế, phương pháp này có thể kiểm tra được tình trạng chức năng của nhau thai.

  1. Những lưu ý khi siêu âm thai

Mặc dù siêu âm là một quá trình đơn giản, an toàn khi thực hiện, những sẽ an tâm hơn nếu được một bác sĩ/kỹ thuật viên chuyên khoa thực hiện. Việc này đảm bảo kết quả nhận được là chính xác cũng như không khiến bạn cảm thấy lo lắng. Vì vậy bạn hãy tham khảo ý kiến người tiền nhiệm, tìm đến những phòng khám sản phụ khoa uy tín với đội ngũ y bác sĩ tay nghe cao để thăm khám

Ngoài ra,bạn cũng nên lưu ý một vài nguyên tắc sau khi thực hiện siêu âm thai:

  • Siêu âm Doppler qua đầu dò âm đạo chỉ được thực hiện khi thai lớn, không được thực hiện trong những tuần đầu, khi thai nhi chỉ đang ở giai đoạn phôi.
  • Đầu dò không nên giữ quá lâu ở cùng một chỗ.
  • Nếu mẹ đang bị sốt, siêu âm nên được tiến hành nhanh chóng.
  • Nếu siêu âm thai trong những tuần đầu, bạn có thể được yêu cầu uống nước trước đó để làm đầy bàng quang đẩy tử cung lên cao hơn. Việc này sẽ giúp bác sĩ dễ nhìn thấy em bé hơn.
  • Khi thai đã lớn bạn không cần nhịn tiểu là uống nước trước nữa.

Hy vọng rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp siêu âm thai và cảm thấy yên tâm hơn khi thực hiện kỹ thuật này trong thai kỳ. Bác sĩ Chánh chúc bạn sẽ mẹ tròn con vuông nhé!


Trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Posted in Thai kì by rin | Tags:
Tư vấn Online